Vĩnh Phúc: Sẵn sàng khai hội Tây Thiên xuân Giáp Thìn 2024

“Đến thời điểm hiện tại UBND huyện Tam Đảo và BTC Lễ hội đã ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành lễ hội Tây Thiên xuân Giáp Thìn 2024. Ban Tổ chức đã tiến hành kiểm tra cơ sở vật chất của các kiệu (đền Mẫu Sinh, đền Mẫu Hóa, đền Ngò) đảm bảo đủ điều kiện cho lễ rước; chuẩn bị lực lượng cho đội Tế, đội Bát âm, đội múa Sênh tiền và đội hình rước kiệu” – Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Đảo Vũ Thị Bích Ngọc cho biết.
Tây Thiên với hệ thống đền thờ có từ hàng nghìn năm được lập để tưởng nhớ công ơn Quốc Mẫu Tây Thiên Lăng Thị Tiêu – người trang Đông Lộ, xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.

Ảnh minh họa Tây Thiên


Quốc Mẫu khi còn tại thế là vợ của vua Hùng Vương thứ bảy (Hùng Chiêu Vương – Lang Liêu), người có công cầm quân chống giặc giữ yên bờ cõi, thống nhất giang sơn, dạy dân trồng lúa, giữ lửa trong buổi bình minh của dân tộc, xây dựng đất nước thái bình thịnh trị. Sau khi mất, bà thường hiển linh, âm phù giúp các đời vua đánh giặc, giữ nước.
Để tưởng nhớ Quốc mẫu Tây Thiên, hằng năm vào ngày 15/2 âm lịch (ngày mất của Quốc mẫu), nhân dân Vĩnh Phúc nói chung và người dân thị trấn Đại Đình, huyện Tam Đảo nói riêng lại mở hội để cùng khách thập phương tưởng nhớ công đức, tỏ lòng biết ơn và cầu xin Quốc mẫu phù hộ cho bình an, may mắn.


Quốc mẫu Tây Thiên được thờ tự chính tại đền Thượng trên đỉnh núi Thạch Bàn. Bà còn được suy tôn danh hiệu Tam Đảo sơn trụ Quốc Mẫu tối linh Đại vương – Đệ nhất thượng đẳng Phúc Thần (vị thần tối cao bảo trợ cho dãy Tam Đảo), là hiện thân của Mẫu Thượng Ngàn (một trong Thánh Mẫu Tứ Phủ chuyên trách cai quản, sáng tạo vũ trụ).


Hàng năm, lễ hội Tây Thiên diễn ra từ ngày 14 đến 17/2 âm lịch, bao gồm phần lễ và phần hội với các trò chơi, trò diễn, diễn xướng của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước từ buổi đầu sơ khai thời các Vua Hùng dựng nước, gắn với tín ngưỡng phồn thực và các làn điệu dân ca, dân vũ của người Việt, của dân tộc thiểu số Sán Dìu định cư chân núi Tam Đảo.


Nhân dân đến với Tây Thiên du xuân ngoạn cảnh, dâng hương lễ Phật, lễ Mẫu thực sự là một chuyến hành hương tìm về nguồn cội, hiểu thêm về giá trị truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của ông cha.


Vũ Dũng